Sự dịch chuyển thị hiếu của giới trẻ Indonesia – quốc đảo lớn nhất thế giới – góp phần tạo nên văn hóa cà phê đặc sản.
Trong một lần ghé thăm quán cà phê ở Jakarta (Indonesia) gần đây, Nana Shibata – cây viết của Nikkei Asia – đã gọi ly cà phê đá, được gọi là kopi trong tiếng Indonesia.
Cưỡng lại cảm giác muốn nuốt thật nhanh, cô ngậm thứ chất lỏng màu đen trong miệng một lúc. Dần dần, cô nhận thấy hương vị cam quýt, hoa nhài và hoa hồng – hương vị cà phê thể hiện sự phức tạp về văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc và địa lý của Indonesia.
“Đất lành” cho làn sóng cà phê thứ ba
Với hơn 18.000 hòn đảo và khoảng 1.300 dân tộc, Indonesia là quốc đảo lớn nhất thế giới. Từ Sumatra ở phía tây đến Papua ở phía đông, hầu như mọi nơi trên đất nước đều có cà phê đặc sản.
Theo Statista – công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Đức – việc trồng cà phê, bắt nguồn từ quá khứ thuộc địa Hà Lan của Indonesia, đã mở rộng đáng kể kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1945, đưa Indonesia trở thành quốc gia có diện tích đất sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Vào tháng 12/2023, Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Indonesia sẽ là nước sản xuất cà phê lớn thứ tư thế giới vào năm 2023-2024 sau Brazil, Việt Nam và Colombia.